KHP-Những năm gần đây, trong lĩnh vực kiến trúc và nội thất xuất hiện một phong cách tuy mới nhưng thật ra rất gần gũi, đó là Phong cách Đông Dương (Indochine Style). Chúng ta cùng tìm hiểu sơ bộ xem phong cách này như thế nào nhé!
Đông Dương là khu vực địa lý gồm 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Gọi là Đông Dương để thể hiện vị trí bán đảo này ở giáp biển Đông, còn tên tiếng Pháp (hoặc tiếng Anh) là Indochine lại nói về sự ảnh hưởng của 2 nền văn minh lớn trên thế giới : Trung Hoa và Ấn Độ ở khu vực này.

Bản đồ bán đảo Đông Dương
Khi người Pháp đặt nền tảng cai trị thuộc địa ở Việt Nam, ở giai đoạn đầu, họ đưa các yếu tố kiến trúc của phương Tây áp đặt hoàn toàn vào xây dựng. Tuy nhiên rất nhanh sau đó, người Pháp đã biết vận dụng các yếu tố địa phương và nhiệt đới vào kiến trúc xây dựng ở thuộc địa này để đáp ứng điều kiện khí hậu nóng ẩm của vùng nhiệt đới, cũng như nét văn hóa phương Đông đặc sắc của người Việt. Nói tóm lại, kiến trúc hay nội thất Indochine là sự kết hợp các nguyên lý cốt yếu của kiến trúc phương Tây (đặc biệt là Kiến trúc Pháp cổ điển) và các đặc điểm, thủ pháp của kiến trúc văn hóa phương Đông (chủ yếu là Việt Nam, Trung Hoa, và Campuchia).
Người có công mở đầu cho phong cách kiến trúc này là KTS Ernerst Hébrard (1875-1933). Ông là KTS Pháp nổi tiếng thời bấy giờ, và là Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Đông Dương thuộc Pháp. Các công trình do ông thiết kế đến nay vẫn còn mang giá trị rất lớn về kiến trúc và lịch sử.

KTS Ernest Hébrard

Tòa nhà chính Đại học Đông Dương (1924)
Đặc điểm của phong cách Đông Dương:
- Kỹ thuật và vật liệu xây dựng: Hệ khung bê tông cốt thép, khung tiền chế. Vật liệu trang trí là sành sứ nhiều màu, ngói xám chẻ (ngói Ardoise), gạch caro, cổng sắt uốn, đèn điện, cột thu lôi,…
- Giải pháp kiến trúc: Áp dụng các giải pháp thông thoáng, lấy sáng như tạo các hành lang bao quanh công trình, tạo các sân trong, các dàn pergola che nắng, phần tường sát trần bố trí các dạng lam để lấy gió, lấy sáng.
- Mái: sử dụng hệ mái bằng cho công trình lớn và mái ngói cho công trình nhỏ. Mái ngói nhô ra xa che nắng mưa, có các seno thu hứng nước mưa theo mái, xử lý mái chồng mái, trang trí mái với các chi tiết địa phương.
- Cửa: bố trí nhiều cửa trong công trình. Cửa có kích thước to và cao nhằm lấy gió và thông thoáng. Cửa có thể bố trí cả ngoài hành lang. Sử dụng hệ cửa lá sách.
- Trang trí: Sử dụng các motip trang trí nhiều màu sắc, đa dạng. Motip Việt-Hoa: Lưỡng long chầu nguyệt, pháp vân, long lân quy phụng, cỏ cây hoa lá,… Motip Khmer: rắn naga, madala, chữ phạn,… Motip Phục hưng cổ điển: lan can con triện, thức cột, phù điêu, gờ chỉ, tượng, thức hoa lá,…
- Màu sắc: chuộng màu vàng chanh nhạt, màu nâu, màu xanh lá, màu nâu cánh gián.
- Vật dụng: chuộng đồ gỗ tự nhiên, đồ mỹ nghệ mây tre lá.

Nhà hát lớn Hà Nội (1911)
Nội thất phòng khách

Sự trở lại gần đây của phong cách Đông Dương là một điều khá thú vị, nó chứng tỏ rằng giới trẻ đã có sự quan tâm với văn hóa nước nhà sau một thời gian chạy theo và học hỏi kiến trúc hiện đại.
Trên đây là một số kiến thức cơ bản về Phong cách Đông Dương mà K.H.P mong muốn cung cấp cho các gia chủ, giúp cho khách hàng có thêm sự lựa chọn cho ngôi nhà của mình.